Hướng Dẫn Cài Đặt và Sử Dụng Yarn Package Manager

Hướng Dẫn Cài Đặt và Sử Dụng Yarn Package Manager

Nếu như cách đây vài năm, Bower là lựa chọn số một và được sử dụng phổ biến để quản lý các thư viện dùng trong ứng dụng thì bây giờ công cụ này lại ít được sử dụng và đang dần được loại bỏ. Thay vào đó, Yarn đang được cộng đồng đón nhận mạnh mẽ và cũng là công cụ thay thế cho Bower.

Vậy thì Yarn là gì và tại sao lại cần sử dụng nó? Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về Yarn và cách cài đặt cũng như sử dụng Yarn.

Yarn Là Gì

Yarn là một chương trình quản lý các thư viện phụ thuộc JavaScript được sử dụng trong ứng dụng. Yarn cho phép việc khai báo các thư viện nào sẽ được dùng trong ứng dụng cũng như việc quản lý các thư viện này, về các thông tin như phiên bản sử dụng, thêm hoặc xoá bỏ thư viện... được tiến hành một cách dễ dàng.

Nếu bạn đã từng sử dụng các công cụ package manager như Bower, NPM (Node Package Manager) hay Composer (quản lý thư viện dùng trong ứng dụng PHP) thì bạn sẽ thấy Yarn cũng không có khác so với những công cụ này.

Cài Đặt Yarn

Trong phần này bạn sẽ được hướng dẫn về cách cài đặt Yarn trên các máy tính chạy hệ điều hành Windows, MacOS hoặc Linux.

Cài Đặt Yarn Trên Windows

Để cài đặt Yarn trên Windos bạn có thể sử dụng tập tin cài đặt được phát triển cho hệ điều hành này.

 Lưu ý rằng máy tính của bạn cần được cài đặt NPM để có thể sử dụng được bản cài đặt này.

Với các phiên bản mới của Node.js thì khi cài đặt phần mềm này NPM cũng sẽ được cài đặt mặc định.

Bạn có thể tải bản cài đặt Yarn mới nhất dành cho Windows tại link này.

Sau khi tải về bạn nhấp đúp vào file cài đặt trên để tiến hành cài đặt Yarn.

Cài Đặt Yarn Trên Mac OSX

Cách đơn giản nhất để cài đặt Yarn trên Mac OSX đó là thông qua Homebrew. Để kiểm tra sự Homebrew đã được cài đặt trên máy hay chưa thì bạn chạy câu lệnh sau trên cửa sổ dòng lệnh:

$ brew -v

Nếu bạn thấy thông báo lỗi thay vì thông tin về phiên bản của Homebrew thì có nghĩa là máy tính bạn chưa được cài chương trình này. Trường hợp này bạn có thể tham khảo nhanh hướng dẫn cài đặt Homebrew để có thể tiếp tục.

Sau khi xác nhận Homebrew đã được cải đặt trên máy thì trên cửa sổ dòng lệnh bạn chạy câu lệnh sau để cài đặt Yarn:

$ brew install yarn

Trường hợp bạn sử dụng Node Version Manager (nvm) thì để sử dụng Yarn với phiên bản Node.js cung cấp bởi NVM thì bạn sẽ cần sử dụng câu lệnh sau:

$ brew install yarn --without-node

Cài Đặt Yarn Trên Linux

Debian/Ubuntu

Với máy tính sử dụng Debian/Ubuntu Linux thì chúng ta có thể cài đặt Yarn thông qua apt-get (Aptitude). Trước tiên thì bạn sẽ cần thêm Yarn vào danh sách các package (hay source list) của Aptitude:

curl -sS https://dl.yarnpkg.com/debian/pubkey.gpg | sudo apt-key add -
echo "deb https://dl.yarnpkg.com/debian/ stable main" | sudo tee /etc/apt/sources.list.d/yarn.list

Sau đó tiến hành cài đặt:

$ sudo apt-get update && sudo apt-get install yarn

CentOS / Fedora / RHEL

Với máy tính sử dụng CentOS / Fedora / RHEL Linux thì chúng ta có thể cài đặt Yarn thông qua yum (Yellowdog Updater, Modified). Trước tiên thì bạn sẽ cần thêm Yarn vào repo chứa danh sách package của YUM:

sudo wget https://dl.yarnpkg.com/rpm/yarn.repo -O /etc/yum.repos.d/yarn.repo

Trường hợp máy tính chưa được cài Node.js trước đó thì bạn cần chạy thêm câu lệnh sau để cấu hình repo source cho Node:

$ curl --silent --location https://rpm.nodesource.com/setup_6.x | sudo bash -

Sau đó tiến hành cài đặt:

$ sudo yum install yarn

Sử Dụng Yarn

Việc sử dụng Yarn khá đơn giản và tương tự như các package manager khác. Để quản lý các package trong dự án Yarn sử dụng tập tin với định dạng JSON có tên là package.json. Trong file này sẽ chứa thông tin về các package sẽ được cài đặt và sử dụng trong dự án.

Một tập tin package.json ví dụ được sử dụng bởi Yarn như sau:

{
  "name": "test-application",
  "version": "1.0.0",
  "description": "Test application.",
  "main": "index.js",
  "repository": {
    "url": "https://github.com/codehub.vn/xxx_sample_url...",
    "type": "git"
  },
  "author": "Codehub.vn",
  "license": "MIT"
}

Với một dự án mới thì bạn sẽ cần chạy câu lệnh sau để khởi tạo tập tin package.json:

$ yarn init

Tất nhiên bạn có thể tạo file package.json thủ công tuy nhiên câu lệnh trên sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian.

Tiếp theo sau khi đã có file package.json thì để thêm một package bạn chạy câu lệnh sau:

yarn add [package]
yarn add [package]@[version]
yarn add [package]@[tag]

Trong đó [package], [version] và [tag] lần lượt là tên package, phiên bản và thẻ của package.

Để upgrade package bạn chạy câu lệnh sau:

yarn upgrade [package]
yarn upgrade [package]@[version]
yarn upgrade [package]@[tag]

Để xoá package:

yarn remove [package]

Và cuối cùng để cài đặt các package sẽ sử dụng trong dự án bạn chạy câu lệnh sau:

$ yarn install

Hoặc đơn giản hơn:

$ yarn

Kết Luận

Được hỗ trợ phát triển bởi Google và Facebook, Yarn đã và đang dần trở thành một công cụ không thể thiếu (de-factor tool) cho các developer đặc biệt là những ai làm mảng frontend. Dễ dàng cài đặt và không quá khó sử dụng cho ngay cả những người mới bắt đầu nên Yarn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng lập trình viên. Nếu bạn đang sử dụng Bower và còn lưỡng lự chọn có nên chuyển qua Yarn hay không thì lời khuyên ở đây đó là bạn nên chuyển qua Yarn ngay từ bây giờ!

    Guest

    - 1970/01/01 Trả lời

    Có thấy mẹ gì đâu

    Guest

    - 1970/01/01 Trả lời

    npm install --global yarn
    Lưu ý là phải cài npm trước
    Một số bạn cài trên Window sẽ bị lỗi PermissionDenied
    Các bạn mở Windows Power Shell( Admin) lên rồi gõ vào dòng lệnh sau
    Set-ExecutionPolicy RemoteSigned
    Chọn A
    Click Enter là xong

10 bình luận