Hello World trong Python

Hello World trong Python

Sau khi cài đặt xong Python thì ở bài học này chúng ta sẽ viết một chương trình đầu tiên sử dụng ngôn ngữ Python có tên là Hello World.

Sử Dụng Text Editor

Để tạo ra một tập tin cũng như lập trình (chỉnh sửa mã lệnh trên tập tin) sử dụng ngôn ngữ Python thì bạn sẽ cần một phần mềm text editor (hay trình soạn thảo văn bản). Có nhiều loại text editor khác nhau và việc chọn phần mềm text editor nào tuỳ thuộc vào sở thích của mỗi người. Tuy nhiên nếu bạn là người mới bắt đầu thì dưới đây là danh sách một số loại text editor được sử dụng phổ biến để lập trình Python mà bạn có thể tham khảo:

  • WindowsNotepad++ là text editor hoàn toàn miễn phí được sử dụng phổ biến trên Windows. Notepad++ không có sẵn trên Windows và để sử dụng thì bạn cần tải phần mềm này về máy và cài đặt. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng text editor có sẵn trên Windows là Notepad tuy nhiên phần mềm này không hỗ trợ các chức năng cơ bản để thuận tiện cho lập trình như syntax highlightingcode completion...
  • Mac OSXTextMate và Sublime Text là hai phần mềm có thể được tải về miễn phí và cài đặt trên Mac OSX. Hai phần mềm này cung cấp các tính năng cơ bản giúp hỗ trợ bạn lập trình bằng ngôn ngữ Python. Ngoài ra bạn có thể sử dụng TextEdit là text editor được cài đặt sẵn trên các máy Mac, tuy nhiên hạn chế của TextEdit là không có chức năng syntax highlighting.
  • Ubuntu (Debian): Trên các phiên bản Linux Debian bạn có thể tải về và cài đặt Sublime Text hoặc sử dụng text editor mặc định là ViNano hoặc Gedit để lập trình Python.

Tập Tin Python

Sau khi đã chọn lựa được một text editor phù hợp để sử dụng thì tiếp chúng ta sẽ sử dụng nó để tạo một tập tin Python đầu tiên có tên là hello_world.py.

Lưy ý: Nếu sử dụng Notepad++ thì bạn cần chắc chắn rằng tập tin được lưu với phần mở rộng là .py thay vì .py.txt.

Bạn thêm vào bên trong tập tin này nội dung như sau:

print("Hello World!")

Tiếp theo trên cửa sổ dòng lệnh bạn di chuyển tới thư mục có chứa tập tin trên và chạy câu lệnh sau:

$ python hello_world.py

Kết thúc câu lệnh bạn sẽ thấy dòng chữ "Hello World!" được hiển thị.

Interactive Mode

Python Interpreter cho phép chúng ta có thể thực thi mã lệnh ở chế độ tương tác (interactive mode). Để vào chế độ này bạn mở cửa sổ dòng lệnh và chạy câu lệnh sau:

$ python

Kết thúc câu lệnh trên bạn sẽ ở chế độ interactive với một dấu nhắc chờ >>> xuất hiện trên màn hình cửa sổ dòng lệnh đợi bạn nhập câu lệnh. Bạn nhập vào câu lệnh sau và gõ Enter:

print("Hello World!")

Bạn sẽ nhận được kết quả tương tự như khi chạy file hello_world.py ở trên.

Để thoát khỏi chế độ này bạn có thể chạy câu lệnh exit() hoặc nhấn tổ hợp phím Ctrl + Enter.

Script Mode (Trên Mac OSX và Linux)

Cách chạy tập tin Python như ở trường hợp đầu tiên không sử dụng Interactive Mode $ python hello_world.py còn được gọi là Script Mode. Nếu bạn trên Linux bạn có thể dùng một cách khác nữa để chạy tập tin này (vẫn thuộc chế độ script mode). Bạn sửa lại nội dung tập tin hello_world.py như sau:

#!/usr/bin/python
print("Hello, Python!")

Dòng đầu tiên ở câu lệnh trên được gọi là She-bang (đọc là shi bang) nó là một chỉ thị dùng để xác địn đường dẫn tới tập tin chương trình chạy Python (hay Python Interpreter). Trên máy tính tôi đường dẫn này là /usr/bin/python, hãy sửa lại nếu như Python được cài đặt ở vị trí khác trên máy tính bạn.

Tiếp theo bạn chạy câu lệnh sau để thêm quyền thực thi (execute) cho tập tin này:

$ chmod a+x hello_world.py

Ở câu lệnh trên chmod là câu lệnh dùng để thay đổi chế độ file (change mode), a+x có nghĩa là thêm quyền execute (x) cho toàn bộ người dùng (all users).

Bây giờ để chạy tập tin này bạn có thể làm như sau:

$ ./hello_world.py

Bạn sẽ nhận được cùng kết quả như khi chạy file ở các trường hợp trước.

Chúc mừng bạn! Tới đây bạn đã tạo thành công một chương trình Python đầu tiên và chạy nó. Ở phần tiếp theo chúng ta sẽ bắt đầu đi vào tìm hiểu về cú pháp của Python.

10 bình luận


Đăng bình luận